Sau khi tiếp thu Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 17-CTr/TU, ngày 28/04/2008 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Huyện ủy Thăng Bình đã ban hành Chương trình hành động số 12-CTr/HU, ngày 06/6/2008 về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước; đồng thời tổ chức Hội nghị Huyện ủy mở rộng để quán triệt Nghị quyết và triển khai Chương trình hành động cho đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn huyện, chỉ đạo các cấp uỷ đảng, Mặt trận, các hội đoàn thể phổ biến, quán triệt Nghị quyết rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đối với tổ chức công đoàn, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động huyện đứng điểm giúp công đoàn cơ sở triển khai Nghị quyết và đôn đốc cơ sở tổ chức thực hiện Nghị quyết, hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết trong hệ thống công đoàn, trên cơ sở đó xây dựng chương trình hành động phù hợp, thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của giai cấp công nhân và người lao động trên địa bàn huyện trong giai đoạn cách mạng mới.
Cùng với chủ trương tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích đầu tư của huyện, các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện ngày càng nhiều, từ đó thu hút và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đội ngũ công nhân cũng có sự chuyển biến tích cực; lực lượng lao động trẻ đã thể hiện sự năng động, sáng tạo, thích ứng với cơ chế thị trường, nhanh chóng tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. 10 năm qua (2008-2018), giai cấp công nhân trong huyện đã trưởng thành đáng kể, phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu ngành nghề đa dạng, đóng vai trò nòng cốt trong khối liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức trên địa bàn huyện. Số lượng công nhân lao động tăng qua các năm, năm 2008 là 400 người, đến đầu năm 2018 là 4.760 người.
Công tác bồi dưỡng, giáo dục nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp, trình độ chính trị, tinh thần dân tộc cho đội ngũ công nhân luôn được quan tâm. Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị của huyện cùng với tổ chức công đoàn tăng cường công tác bồi dưỡng, giáo dục nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp cho công nhân, lao động; phổ biến quán triệt kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới công nhân, viên chức, lao động gắn với thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp công đoàn trong huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai đầy đủ các chuyên đề đến 100% cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; tổ chức phát động các phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương của Bác theo từng chuyên đề; tổ chức cho cán bộ, đảng viên xây dựng bản đăng ký làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo từng tiêu chí cụ thể, viết thu hoạch và sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội LHTN làm tốt công tác giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho công nhân lao động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tọa đàm, tổ chức phát động “Tháng công nhân”, tổ chức Ngày hội công nhân lao động hằng năm; các hoạt động “Tết sum vầy”,“Xuân vui khỏe” trong công nhân, viên chức, lao động... Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền giáo dục trong 10 năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức về chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất, đạo đức cách mạng được giữ vững; vai trò, vị trí, trách nhiệm của tổ chức công đoàn và bản chất của giai cấp công nhân tiếp tục được phát huy.
LĐLĐ huyện tổ chức tập huấn tuyên truyền pháp luật cho công nhân tại CĐCS Xí nghiệp may Ánh Sáng 2
Công nhân nhà máy sợi Hòa Thọ Thăng Bình
Phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong 10 năm qua, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án về đào tạo nghề. Huyện có chủ trương trích 1% chi thường xuyên lập quỹ đào tạo để nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ công chức và người lao động. Từ đó, tỷ lệ cán bộ, đảng viên, công nhân lao động qua đào tạo nghề được tăng lên hàng năm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động.
Qua 10 năm, đã có gần 500 lượt người (trên tổng số 7.997 công nhân, viên chức, lao động) được tuyên truyền về học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, hơn 300 người được tuyên truyền về kỹ năng sống. Các cấp công đoàn đã tổ chức gần 1.000 lớp tuyên truyền miệng, buổi nói chuyện chuyên đề; 50 cuộc thi. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp đưa công tác nâng cao trình độ học vấn cho công nhân, viên chức, lao động vào Nghị quyết Hội nghị cán bộ công chức, 7/7 doanh nghiệp đưa vào thỏa ước lao động tập thể. 100% đoàn viên, công chức, viên chức có nhu cầu nâng cao trình độ đều được tạo điều kiện về kinh phí và thời gian để học tập. Riêng công nhân lao động ở khối sản xuất kinh doanh được doanh nghiệp tạo điều kiện phát huy sáng kiến, cải tiến công nghệ với hơn 100 sáng tiến cải tiến kỹ thuật.
Việc xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan đến quyền lợi của công nhân lao động đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền và công đoàn các cấp triển khai thực hiện khá tốt, đã triển khai thực hiện các dự án, chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động… nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước về bảo hộ lao động; cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu tai nạn lao động trong doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo việc sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện chế độ chính sách cho lao động dôi dư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sắp xếp lại lao động phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh; đồng thời góp phần hỗ trợ một phần kinh phí cho lao động dôi dư đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh hoặc tìm kiếm việc làm mới để ổn định cuộc sống.
Có thể nói, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nâng lên, tạo sự chuyển biến quan trọng trong việc tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh; phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng hăng say lao động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, giai cấp công nhân đã có những đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.