THĂNG BÌNH- MẢNH ĐẤT, CON NGƯỜI,
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH YÊU NƯỚC
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ DÂN SỐ
Thăng Bình là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Quảng Nam, thuộc vùng duyên hải miền Trung, nằm ở tọa độ 150 30 phút đến 150 59 phút vĩ độ Bắc, từ 1080 7 phút đến 1080 30 phút kinh độ Đông. Trung tâm huyện lỵ là thị trấn Hà Lam, cách thành phố Tam Kỳ tỉnh lỵ Quảng Nam 25 km. Phía Bắc giáp huyện Quế Sơn và Duy Xuyên, phía Nam giáp huyện Phú Ninh và thành phố Tam Kỳ, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp huyện Tiên Phước và Hiệp Đức.
Huyện Thăng Bình có 21 xã và 01 thị trấn.
Tổng diện tích tự nhiên là 385,6 km2 (38.560 ha). Trong đó, đất nông, lâm nghiệp và thủy sản là 24.902,50 ha; đất phi nông nghiệp là 10.991,89 ha; đất chưa sử dụng là 2.666,05 ha. Về thổ nhưỡng có khoảng 10 loại đất, được phân bố theo 3 vùng: vùng đồi núi phía Tây có nhiều rừng nhưng đất đai bị đá ong hóa, bạc màu, khô cằn do đất feralit đỏ và vàng được tạo ra từ đá granit, đá filit bị xói mòn trên tầng mỏng là đặc trưng ở vùng Tây; vùng trung du đồng bằng với đặc trưng của vùng bán sơn địa có nguồn thổ nhưỡng đất xám do chịu ảnh hưởng của granit tương đối thuận lợi; vùng ven biển đặc trưng với các dãy gò, đồi cát được bồi đắp từ xa xưa giáp biển Đông, có con sông Trường Giang chạy dọc tuyến ven biển, xen kẽ còn có nhiều Bàu nước, chủ yếu là đất mặn, đất cát trắng, là loại đất đặc trưng của vùng Đông.
Phía Đông giáp biển Đông, có chiều dài 25 km, bãi biển đẹp, có tiềm năng nuôi trồng thủy sản, phát triển dịch vụ du lịch. Vùng biển thềm lục địa có nhiều tài nguyên thủy, hải sản có giá trị kinh tế, là điều kiện thuận lợi để ngư dân các xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Hải, Bình Nam phát triển ngành nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản. Với cái nhìn của người xưa như, Dương Văn An thời nhà Mạc, mô tả sinh hoạt của Xứ Quảng Nam thì nơi đây: "... biển thì cá, muối là kho vô tận..của thổ ngơi đã sẵn thứ rượu tăm rất ngon. Hải vị sơn hào của nhiều chan chứa. Cá tôm sẵn ở sông bể, gỗ lấy ở núi rừng. Xóm làng trù mật, nên gà, chó từng đàn;, cỏ, nước ngon lành nên trâu bò béo tốt. Sông hồ lầy lội, đi thuyền tiện hơn đi chân; đất cát phì nhiêu, được thóc không cần khó nhọc.."[1]
Dân cư sinh sống trên mảnh đất Thăng Bình theo chiều dài lịch sử luôn biến chuyển về lượng qua từng thời kỳ. Năm 1910 có 16.110 suất đinh. Vào tháng 12 năm 1970, tổng dân số là 128.232 người. Năm 1997, sau khi chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng thì huyện Thăng Bình thuộc tỉnh Quảng Nam, lúc này dân số là 186.900 người. Hiện nay, tổng dân số là 180.353người, với mật độ 468 người/km2. Trong đó, chia theo khu vực: dân số đô thị là 16.298 người, dân số nông thôn là 164.055 người. Dân số trong độ tuổi lao động là 90.490 người[2] .
Thăng Bình có khí hậu nhiệt đới gió mùa, được chia thành 2 mùa mưa- nắng rõ rệt. Nhiệt độ toàn vùng trung bình từ 240C đến 270C, độ ẩm trung bình hàng năm khoảng 80%. Mùa nắng ruộng đồng, đất đai khô hạn, nứt nẻ, khí trời oai bức. Mùa khô bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 của năm, thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao bởi gió Tây Nam từ hạ Lào thổi về có lúc lên 400C gây nên sông, suối cạn kiệt, cây cối xơ xác; người đời đã phát thảo nên 2 câu thơ:
“Gió Nam thổi kiệt bảy ngày
Khoai lang khô cũng hết, lúa vay không còn”.
Còn mùa Đông bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 01 năm sau, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu sự tác động gió mùa Đông Bắc từ biển Đông thổi vào, hằng năm có từ 10 - 12 cơn bão đổ vào hoặc phải chịu ảnh hưởng của bão và lũ lụt, lượng mưa trung bình hằng năm từ 1.000 đến 2000mm, tiết trời ẩm, ngập lụt nhất là vùng Đông. Tiết trời nắng nóng và mưa nhiều là hai yếu tố thiên nhiên chi phối đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn Thăng Bình hết sức rõ rệt.
Về giao thông, Thăng Bình có tuyến Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc -Nam chạy ngang qua. Tuyến đường 16 trước đây, bắt đầu từ thị trấn Hà Lam chạy lên phía Tây sang huyện Hiệp Đức lên Khâm Đức (Phước Sơn). Hiện nay, tuyến đường này đã được nâng cấp thành Quốc lộ 14E bắt đầu từ đường Thanh niên ven biển lên Bình Triều đến Ngã tư Hà Lam, theo Quốc lộ 1A đến Cây Cốc, rẻ phải đi Hiệp Đức rồi lên làng Hồi, huyện Phước Sơn giáp với đường Hồ Chí Minh, rồi thông thương tuyến Bắc - Nam. Đây là tuyến đường huyết mạch nối liền Đông Tây, là con đường chiến lược của những năm chiến tranh vệ quốc, nay hòa bình, là điều kiện thuận lợi để giao lưu vùng miền, tạo thế chủ động phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện. Ngoài ra, còn có các con đường ngang, đường dọc nối liền 3 vùng trong huyện với các huyện tiếp giáp như: Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Duy Xuyên; có một hệ thống các tuyến đường nối liên xã, liên thôn đã được bê tông hóa trên 50% tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển vật tư, hàng hóa, công cụ, phương tiện phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, lưu thông sản phẩm nông, lâm, thủy sản và phục vụ đời sống dân sinh. Ngoài ra còn có tuyến giao thông đường thủy trên sông Trường Giang và Biển Đông, cũng là thế mạnh của huyện Thăng Bình, là điểm giao thông cầu nối giữa Hội An, Tam Kỳ và các quốc gia trên thế giới.
Về hệ thống sông, suối trên địa bàn huyện có 2 con sông: Sông Ly Ly bắt nguồn từ núi Hòn Tàu (Quế Sơn) chạy dọc ven phía Bắc của huyện qua các xã Bình Lãnh, Bình Trị, Bình Định Bắc và Bình Quý rồi xuôi dần ra Cửa Đại (Hội An). Phía bờ Bắc giáp huyện Quế Sơn. Sông Trường Giang chạy dọc tuyến ven biển, đóng vai trò chủ đạo, mạch máu lưu thông, sông có chiều dài khoảng 60 km, nối liền với sông Ly Ly và sông Tam Kỳ. Nói về sông này, trong sách
Đại Nam nhất thống chí gọi là "
sông Phước Toàn nằm ở phía Đông huyện Lễ Dương là mạch máu lưu thông trong toàn vùng với tấp nập ghe thuyền". Có thể khẳng định rằng, khi giao thông đường bộ chưa phát triển thì sông Trường Giang có vai trò quyết định trong việc vận chuyển hàng hóa và hành khách từ Tam Kỳ ra Hội An, Đà Nẵng và ngược lại. Lưu thông trên sông Trường Giang có nhiều bến sông, bến đò, bến chợ được hình thành rất sớm như chợ Bà, chợ Lạc Câu, chợ Được, chợ Tam Ấp, chợ Tây Giang, chợ Bến Đá, chợ Bàn Thạch... Hiện nay, theo địa giới hành chính, sông Trường Giang chảy qua các xã Bình Dương, Bình Giang, Bình Đào, Bình Triều, Bình sa, Bình Hải, Bình Nam rồi đổ ra cửa An Hòa (Núi Thành) và Cửa Đại (Hội An). Bên cạnh đó, còn có nhiều ao hồ, bàu nước tạo nên nguồn nước dồi dào, lưu lượng phù sa tương đối khá, tạo thuận lợi cho canh tác và nuôi trồng thủy, hải sản.
Sông Trường Giang
Phía vùng Tây của huyện, mạch nguồn cung cấp nước cho các hồ chứa nước như La Nga - Cao Ngạn (Bình Lãnh), hồ Đông Tuyển (Bình Trị), hồ Phước Hà (Bình Phú) chủ yếu là các con suối nhỏ từ các dãy rừng phía Tây tạo ra nguồn nước trong mát chảy về.
Với những yếu tố đặc trưng tự nhiên của địa hình và khí hậu đưa đến việc hình thành 3 vùng kinh tế khác nhau ở Thăng Bình, đó là vùng Đông, vùng Trung và vùng Tây. Tuy nhiên, đặc trưng cơ bản là huyện thuần nông, kinh tế nông - lâm nghiệp là chủ yếu. Diện tích đất sử dụng vào các ngành nghề kinh tế được thống kê đến tháng 31.12.2013 kết cấu như sau: đất trồng cây hằng năm là 13. 815,1 ha; đất trồng cây lâu năm là 1.515,3ha; đất lâm nghiệp là 9.041,2 ha; đất mặt nước nuôi trồng thủy sản là 523,6 ha
Ở vùng Đông, các xã nằm dọc hai bên bờ sông Trường Giang và ven biển, thành phần thổ nhưỡng cơ bản là đất cát, ruộng lúa ít mà chủ yếu là trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như: các loại đậu đỗ, mè, điều; các loại cây lương thực, thực phẩm, trong đó khoai lang Trà Đỏa từng nổi tiếng đó đây; dân gian vùng này còn lưu truyền câu ca dao "Ăn no mặc đủ nhờ củ với khoai. Hết nợ hết nần nhờ khoai với củ". Ngoài ra còn có tiềm năng đất lâm nghiệp, với hàng chục ngàn ha đất cát ven biển, nhân dân đã và đang trồng các loại cây Phi lao, Bạch đàn, Dừa…để vừa chắn gió Đông, ngăn gió Tây, vừa cân bằng sinh thái tạo ra nguồn nước để phục vụ tiêu dùng sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo nguồn thu ổn định từ rừng, góp phần cải thiện đời sống dân sinh. Bên cạnh đó còn có nguồn thu từ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản nước lợ, nước mặn. Đồng thời, khu vực này có tiềm năng lớn để phát triển cụm công nghiệp nhỏ và vừa, một số sản phẩm công nghiệp được chế biến từ cát đã có mặt trên thị trường trong nước và thế giới.
Ở vùng Trung với các xã dọc hai bên quốc lộ 1A, địa hình bằng phẳng, đất đai có độ phì khá hơn so với các vùng còn lại, nên thích hợp phát triển nông, lâm nghiệp, nhất là các loại cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày, trong đó hiện tại cây lúa nước là phổ biến.
Ở vùng Tây gồm các xã phía trên đường sắt Bắc - Nam, địa hình là trung du, miền núi. Đất đai không mấy thuận lợi do xen kẽ đất đá, có độ dốc lớn, bị xói mòn bởi các trận lũ lụt hằng năm… Vì thế, vùng này chú trọng phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng, trồng và khai thác các loại lâm thổ sản và chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê đàn), các loại gia cầm.
Với tiềm năng sẵn có, Thăng Bình trong tương lai có nhiều cơ hội kết nối phát triển du lịch, dịch vụ. Với các di tích lịch sử, văn hóa, như khu phế tích Phật viện Đồng Dương, Lễ hội Bà Chợ Được và làng nghề truyền thống Quán Hương, Cửa Khe hay du lịch sinh thái: hồ Cao Ngạn gắn với địa danh thành đồng; hồ Phước Hà gắn với chiến khu xưa; hồ Đông Tuyển, các con sông, bãi biển có vẻ đẹp tự nhiên.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thăng Bình, qua các đời, nhân dân còn phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, như: chẻ đá ong (Đồng Thới, Thạnh Mỹ, Thanh Ly, Liễu Trì); chẻ đá Núi Dê (Hà Lam), Núi Rướng (Ngọc Sơn); đan đát thúng, nong, nia, bồ… (Phụng Loan); sản xuất nồi đất (Thanh Đăng); nghề làm đường bát thủ công (Chung Phước, Thạnh Mỹ, Thanh Ly, Đồng Thới). Tiêu biểu về làng nghề, Thăng Bình nổi tiếng với làng nghề Quán Hương tại khối phố 4, thị trấn Hà Lam, làng nghề này ra đời cách đây hơn 250 năm, đeens nay vẫn duy trì, tiếp nối và phát triển; sản phẩm được thị trường trong và ngoài huyện ưa chuộng. Làng nghề nước mắm Cửa Khe tại xã Bình Dương; bún sợi, bánh trán sắn (Bình Chánh, Bình Trị); khoai chà, khoai dai (Bình Đào)..., là những sản phẩm đặc sản, phong phú và lưu thông rộng rãi, trao đổi, mua bán, đáp ứng nhu cầu dân sinh trong và ngoài huyện. Và cũng từ đây, huyện Thăng Bình hình thành nhiều chợ như: chợ Hà Lam, chợ Được, Lạc Câu, Tiên Đỏa, Hưng Mỹ, Tây Giang, Kế Xuyên, Quán Gò, Vinh Huy, Đo Đo, Việt An, chợ Bà, Bù Chét..... Ngay từ thưở sơ khai lập địa, nơi đây nổi tiếng với bài dân ca địa phương:
"Tam Kỳ, chợ Vạn Thầu Đâu
Phía trên đường cái có lầu anh Tây
Chiên Đàn, chợ Mới gần đây
Kế Xuyên mua bán Đông Tây rộn ràng
Hà Lam gần sát phủ đàng
Phía ngoài bãi cát Hương An nằm dài"[1]
Tại các chợ trên địa bàn huyện, hàng hóa trao đổi là các sản phẩm nông lâm, hải sản, thủ công mỹ nghệ của cư dân địa phương làm ra. Tuy nhiên, do đặc trưng của sự phân vùng, chia cắt làng xã nên độ sầm uất không cao, chỉ nổi lên vai trò, sự lan tỏa và giao lưu với khách hàng các địa phương trong tỉnh là chợ Hà lam và chợ Được. Con đường lưu thông hàng hóa được định hình từ xa xưa để vận chuyển lâm, thổ sản từ Trà My, Tiên Phước, Tam Kỳ rồi xuống xuôi dòng sông Trường Giang ra Hội An. Một con đường nữa từ Cẩm Khê, Quán Rường, Chiên Đàn xuống Kế Xuyên. Và theo đường từ Trà Nô, Việt An đến Hà Lam, chợ Được. Trong đó, đóng vai trò mạch máu lưu thông trong huyện và nối với các huyện khác là con sông Trường Giang - nối từ cực Bắc tỉnh Quảng Nam là Cửa Đại, Hội An đến tận phía nam là Kỳ Hà, Chu Lai
Nhìn chung, các ngành nghề đã hình thành nên nền kinh tế đa dạng, phong phú. Đặc điểm nổi bật là sự phân bố vùng kinh tế xuất phát từ yếu tố địa lý tự nhiên. Hiện nay, đã hình thành một số cụm công nghiệp trên địa bàn huyện như: Hà Lam - Chợ Được; cụm công nghiệp Bình Hòa, Bình An, Kế Xuyên - Quán Gò, Trường An... Trung tâm hành chính, kinh tế của huyện là thị trấn Hà Lam, mang tính hội tụ và lan tỏa ra các vùng xung quanh với sự đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt hơn.
II- LỊCH SỬ ĐỊA LÝ, CƠ CẤU HÀNH CHÍNH
Vùng đất Thăng Bình ngày nay là kết quả của quá trình biến đổi địa giới, tên gọi. Từ xa xưa, dưới thời vua Hùng, trong 15 Bộ của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc thì nguyên xưa vùng đất Quảng Nam thuộc Bộ Việt Thường Thị. Thời Tần (214-207 Tr CN) vùng đất này thuộc Tượng Quận, đến thời Hán (206 Tr CN - 219 sau CN), vùng đất này thuộc huyện Lư Dung và Châu Ngô, về sau thuộc Lam Ấp (Chiêm Thành). Năm 1.307, thời nhà Trần vùng đất này thuộc Hóa Châu. Đến năm 1.402, thời nhà Hồ, vùng đất Hóa Châu được sáp nhập vào Đại Việt và được chia làm 04 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Trong đó, Châu Thăng và Châu Hoa nay thuộc tỉnh Quảng Nam. Đến năm 1.470, vua Chiêm Thành đã đánh chiếm lại Hóa Châu (sau này là Thừa Thiên)[2].
Năm 1.471, vua Lê Thánh Tông đã chỉ huy đại binh tấn công Kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành bắt sống vua Chiêm là Trà Toản, mở rộng bờ cỏi nước Đại Việt, ổn định vùng đất phía Nam, sáp nhập Châu Thăng và Châu Hoa thành lập phủ Thăng Hoa thuộc đạo Thừa Tuyên Quảng Nam (đạo thứ 13 của nước Đại Việt), gồm 3 phủ, 9 huyện. Trong đó, phủ Thăng Hoa có 3 huyện là Lệ Giang, Hà Đông và Hy Giang. Lúc này, huyện Lệ Giang có 09 tổng, 73 xã; huyện Hy Giang có 08 tổng, 58 xã; huyện Hà Đông có 08 tổng, 46 xã.
Thời chúa Nguyễn Hoàng, đạo Thừa Tuyên Quảng Nam được đổi thành trấn Quảng Nam. Năm 1.832, trấn Quảng Nam đổi thành tỉnh Quảng Nam, lúc này gồm 02 phủ là Điện Bàn và Thăng Hoa. Phủ Thăng Hoa gồm có 3 huyện là Lễ Dương, Quế Sơn, Hà Đông. Năm 1.906, huyện Hà Đông được đổi thành phủ Tam Kỳ, huyện Quế Sơn trở thành đơn vị hành chính riêng, thì huyện Lễ Dương được đổi tên thành phủ Thăng Bình.
Về mặt hành chính, năm 1.812, huyện Lễ Dương (sau là phủ Thăng Bình) gồm 7 tổng, 5 thuộc với 186xã[3]. Trong đó, 7 tổng gồm: An Thái Trung, An Thịnh Hạ, An Việt Thượng, Đông An Thượng, Hưng Thịnh Hạ, Phú Mỹ Trung, Thuận Đức Trung); 5 thuộc gồm: Chu Tượng, Hà Bạc, Hoa Châu, Hội Sơn Nguyên, Liêm Hộ.
Đến năm 1.915, dưới thời thuộc Pháp thuộc, phủ Thăng Bình có 07 tổng với 195 xã thôn và 16.110 suất đinh. Triều Duy Tân năm thứ 10 (năm 1916) tiến hành cắt một số xã Tây Nam phủ Thăng Bình sáp nhập với một số xã phía Tây phủ Tam Kỳ thành lập huyện Tiên Phước. Vào năm 1919, thì phủ Thăng Bình có 7 tổng với 165 xã. Trong đó:
- Tổng Châu Đức: có 30 xã;
- Tổng Hưng Thạnh: có 24 xã;
- Tổng An Thạnh: có 16 xã;
- Tổng Phú Thăng: có 32 xã;
- Tổng An Thái: có 36 xã;
- Tổng Đông An: có 9 xã;
- Tổng Việt An: có 18 xã.
Đến năm 1939, bốn xã Đông An, Trung Ái, Hòa Quế, Cẩm Tú thuộc tổng Đông An, phủ Thăng Bình được sáp nhập vào huyện Quế Sơn. Tuy nhiên, ngay sau tháng 8 năm 1945, phủ Thăng Bình đổi tên thành huyện Thăng Bình, đồng thời chính quyền cách mạng đã tách 5 xã phía Đông của huyện Duy Xuyên để sáp nhập vào huyện Thăng Bình.
Năm 1946, theo chủ trương chung, tỉnh Quảng Nam hợp xã lần thứ nhất, lúc này huyện Thăng Bình gồm 137 làng (xã); qua hợp nhất thành lập 58 xã mới[4]. Giải thể cấp tổng, chia huyện thành 7 vùng: Đội Cung, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Thái Thị Bôi, Hoàng Hoa Thám, Phạm Hồng Thái. Đến năm 1948, theo Quyết định của Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tiến hành hợp xã lần hai, huyện Thăng Bình từ 58 xã hợp lại thành 19 xã mới, lấy từ Thăng làm từ đầu cho các tên gọi: Thăng An, Thăng Mỹ, Thăng Nguyên, Thăng Long, Thăng Hoa, Thăng Thái, Thăng Thanh, Thăng Ba, Thăng Việt, Thăng Sơn, Thăng Phong, Thăng Trường, Thăng Hưng, Thăng Khương, Thăng Quang, Thăng Tân, Thăng Phú, Thăng Vinh, Thăng Dương.
Đầu năm 1950, tiến hành hợp xã lần thứ 3, Thăng Bình từ 19 xã cũ thành lập 11 xã mới[5]. Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức đặt mới một số xã và đổi tên các xã. Lúc này, Thăng Bình với 21 xã lấy chữ Bình làm chữ đầu tên của các xã: Bình Lâm, Bình Lãnh.....
Ngày 24 tháng 6 năm 1958, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 335-NC/P6, đổi tên các huyện thành quận và thay đổi tên các xã. Quận Thăng Bình có 21 xã; quận lỵ đóng ở xã Bình Nguyên: Bình Sơn, Bình Lâm, Bình Lãnh, Bình Trị, Bình Định, Bình Quý, Bình Nguyên, Bình Phú, Bình Quế, Bình An, Bình Trung, Bình Tú, Bình Phục, Bình Giang, Bình Triều, Bình Sa, Bình Nam, Bình Hải, Bình Đào, Bình Dương và Thăng Phước.
Ngày 31 tháng 7 năm 1962, Chính quyền Sài gòn ra sắc lệnh 162 chia tỉnh Quảng Nam thành 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín, lúc này Thăng Bình thuộc tỉnh Quảng Tín với tư cách là một quận gồm: 19 xã. Đứng trước việc chia tách của chính quyền Sài Gòn; chấp hành Nghị quyết của Khu ủy V, chính quyền cách mạng chia tỉnh Quảng Nam thành 2 tỉnh mới để tiện việc tổ chức và chỉ đạo nhiệm vụ cách mạng lúc bấy giờ là tỉnh Quảng Đà ở phía Bắc và tỉnh Quảng Nam ở phía Nam. Huyện Thăng Bình thuộc tỉnh Quảng Nam. Về mặt địa giới sự chia tách giữa ta và chính quyền Sài Gòn cơ bản giống nhau, chỉ có khác là huyện Quế Sơn chính quyền Sài Gòn chia thuộc tỉnh Quảng Nam; chính quyền cách mạng chia thuộc tỉnh Quảng Tín.
Ngày 20 tháng 7 năm 1969, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định sáp nhập 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà của huyện Tiên Phước, các xã Bình Lâm, Thăng Phước của huyện Thăng Bình và các xã Sơn Tân, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn An, Sơn Hoà của huyện Quế Sơn để thành lập một huyện mới, lấy tên là huyện Quế Tiên. Sau năm 1975, giải thể huyện Quế Tiên, các xã Bình Lâm, Thăng Phước được sáp nhập trở lại huyện Thăng Bình. Năm 1984, xã Bình Đào tách ra để thành lập 2 xã mới là: xã Bình Đào và xã Bình Minh. Đến ngày 31 tháng 12 năm 1985, 2 xã Bình Lâm, Thăng Phước được tách ra sáp nhập với một số xã của huyện Quế Sơn, Phước Sơn để thành lập huyện Hiệp Đức, lúc này huyện Thăng Bình còn 21 xã. Đến khi thành lập xã Bình Chánh và chia tách xã Bình Nguyên để hình thành thị trấn Hà Lam. Lúc này, cấu thành đơn vị hành chính của huyện Thăng Bình gồm 20 xã và 01 thị trấn. Đến ngày 8 tháng 3 năm 2007, xã Bình Định được tách ra để thành lập 2 xã là: Bình Định Bắc và Bình Định Nam. Từ đó đến nay, cơ cấu tổ chức hành chính huyện Thăng Bình ổn định với 21 xã và 01 thị trấn, gồm: Bình Lãnh, Bình Trị, Bình Định Bắc, Bình Định Nam, Bình Phú, Bình Quý, Bình Quế, Bình Nguyên, Bình Trung, Bình Tú, Bình An, Bình Chánh, Bình Nam, Bình Sa, Bình Phục, Bình Triều, Bình Giang, Bình Đào, Bình Hải, Bình Minh, Bình Dương và thị trấn Hà Lam.
Bàu Hà Kiều- thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam
III- ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA – XÃ HỘI VÀ DÂN CƯ
Thăng Bình là vùng đất có nền văn hóa lịch sử lâu đời, cách đây hơn 2000 năm, là địa bàn sinh sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, tiếp đến là đất Amaravati của người Chăm, là đế đô của nhiều triều đại vua chúa Chămpa, nên tập trung tinh hoa văn hóa, thành tựu kinh tế tiêu biểu nhất. Khi người Việt đến định cư đã tiếp thu những kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, cách thức canh tác của người Chăm trong lĩnh vực nông nghiệp, khai thác lâm thổ sản quý như quế, trầm hương, lọc vàng, chế tác đồ mỹ nghệ, tơ tằm dệt vải, nấu đường, chế biến nước mắm, đóng ghe bầu đi biển... Tuy nhiên, dưới ách thống trị, sự tàn phá của thực dân Pháp hầu hết các công trình di tích văn hóa cổ hầu như không còn, những công trình còn lại, phần lớn đều bị hư hỏng. Hiện nay trên địa bàn chỉ còn lại dấu tích văn hóa của người Chăm. Với tháp Đồng Dương hay Phật viện Đồng Dương của người Chăm có nghệ thuật kiến trúc độc đáo kết hợp với yếu tố tâm linh được đánh giá thuộc hạng bậc nhất của Chămpa ở Đông Nam Á, đồng thời là di sản văn hóa hiếm hoi của Phật giáo; rồi mộ người Chăm ở Trà Sơn (Bình Định); Hưng Mỹ (Bình Triều); Giếng Tiên (Bình Đào); bờ đập Hồi ở Lạc Câu (Bình Dương).
Đến thế kỷ XV, theo dòng di cư, người Kinh từ Thanh Hóa, Nghệ An bắt đầu đến đây cư ngụ, sinh cơ lập nghiệp, dựng làng lập ấp, họ được xem là những tiền hiền. Đặc trưng văn hóa của đất và người Thăng Bình được hình thành, tiếp nối và phát huy sau quá trình hội tụ, tiếp thu, chọn lọc những nét văn hoá độc đáo từ các vùng miền, các dân tộc tạo nên những nét văn hoá đặc trưng mang đậm yếu tố tín ngưỡng, văn hoá dân gian truyền thống của con người Xứ Quảng nói chung và của người dân Thăng Bình nói riêng như: Cộ Bà chợ Được, nghệ thuật hát Bả Trạo, hát tuồng, lễ hội đua thuyền, lễ hội cầu Ngư của cư dân vùng sông nước... Cứ 2 năm một lần, huyện Thăng Bình tổ chức lễ hội văn hoá thể thao các xã miền biển và trung du miền núi phù hợp đặc điểm, truyền thống của từng vùng với nhiều loại hình văn hoá, nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Đặc điểm tự nhiên, mô hình kinh tế đã đưa đến việc hình thành khí chất dân cư "Đàn ông lo việc cày ruộng, đàn bà chăm lo nuôi tằm dệt lụa. Sông núi hùng vĩ nên con người tư chất thông minh, kẻ sĩ có lòng trung thực, lời nói hiên ngang, thẳng thắn. Tuy thế, đất thì rất xấu, sông nước chảy xiết nên tính người hay nóng nảy, ít trầm tĩnh, chỉ những con người học vấn uyên thâm mới không bị phong khí ràng buộc.... Việc qua lại thường xuyên, cố kết cộng cồng làng xóm dân cư, tính giao kết như ngày xưa và đều đặn, cúng tế bằng xướng ca...đất thì xấu, phong tục tiết kiệm nhưng thật thà chất phác, phong thổ tất cả đều như thế " (Đại Nam nhất thống chí nhận xét).
Về phong tục, tập quán văn hóa, đối với cư dân ven biển ở vùng Đông và cư dân miền núi ở vùng Tây có các tập quán sinh hoạt văn hóa lâu đời, điển hình liên quan đến thần núi như lễ mở, đóng cửa rừng vào đầu và cuối năm hay thần biển như cầu ngư....Văn nghệ dân gian địa phương cũng hết sức phong phú đa dạng như hát dân ca bài chòi, hò khoan đối đáp, hò kéo lưới, hò ba lý, có nhiều điệu lý trữ tình với lý thương nhau, lý con sáo. Còn lại các vùng khác tập quán văn hóa, phong tục mang tính dung hòa, phổ biến những đặc trưng của con người xứ Quảng. Tại Thăng Bình, có các lễ hội văn hóa tiêu biểu như:
Lễ hội Cộ Bà chợ Được với nét văn hóa mang đậm yếu tố truyền thống cốt cách dân tộc. Lễ hội diễn ra vào 2 ngày 10 và 11 tháng giêng Âm lịch hằng năm tại Lăng Bà. Lễ được tổ chức vào ban đêm tại thôn Phước Ấm, Chợ Được- xã Bình Triều.. Lễ hội gồm các lễ cầu an, truy niệm Đức Bà, rước Cộ Bà và một số trò diễn xướng dân gian. Lễ rước Cộ Bà vừa mang ý nghĩa phụng tự vừa mang ý nghĩa sinh hoạt diễu hành tín ngưỡng dân gian. Sau lễ rước Cộ Bà mới đến phần hội thực sự gồm: múa lân, đua thuyền, hát bội, các hoạt động thể dục, thể thao....
Hình ảnh rước cộ trong Lễ hội Bà Chợ Được
Lễ hội Cầu Ngư là một nét sinh hoạt văn hoá tinh thần độc đáo của cư dân sống bằng nghề sông nước. Xuất phát từ tín ngưỡng thờ Cá Ông của người Việt, cư dân vùng biển Thăng Bình lấy ngày mồng 01 tháng 4 (ngày Bác Hồ về thăm làng cá) làm ngày tổ chức lễ hội Cầu Ngư. Lễ hội thường kéo dài từ 1 - 3 ngày với các lễ chính: Lễ vọng, Lễ nghinh Ông Sanh, Lễ tế Cô hồn, Lễ Chánh tế, Lễ xâu chầu Bả Trạo. Hát Bả Trạo là bộ phận chính của nghi lễ, là một trò diễn xướng nghi lễ tổng hợp vừa múa, vừa hát với đạo cụ là mái chèo, nội dung dàn trải suốt quá trình diễn xướng, là ca ngợi đức Cá Ông, xót thương người quá cố, đồng thời thể hiện sự dũng cảm của con người trước sóng to, gió lớn, tinh thần đoàn kết cùng công việc lao động của ngư dân vùng biển. Phần Lễ long trọng, trang nghiêm và rất mực thành kính bao nhiêu thì phần hội càng vui vẻ, càng náo nức bấy nhiêu. Lễ Cầu Ngư là sự thể hiện lòng mong muốn được bình an khi đối mặt với thiên nhiên bão tố, được mùa biển để cuộc sống ấm no, mọi nhà luôn an khang thịnh vượng, vạn vật phát triển, sinh sôi...
Bên cạnh các Lễ hội dân gian truyền thống mang đậm nét văn hoá đặc trưng, ở Thăng Bình còn rất nhiều những di tích văn hoá, di tích lịch sử nằm rải rác khắp các địa phương trong huyện như: Bia Văn thánh, Đình làng Hà Lam, Lạc Câu, Hưng Thạnh Đông, Hưng Thạnh Tây, Phước Ấm, Địa đạo Bình Giang, Căn cứ địa cách mạng Linh Cang, Cao Ngạn, Chiến khu rừng Bồng, tượng đài Hà Lam - Chợ Được, Lăng mộ Tiểu La - Nguyễn Thành…Cùng với việc giữ gìn bản sắc văn hoá và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương, dân tộc, các di tích văn hoá, di tích lịch sử cách mạng luôn được giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo. Đến với Thăng Bình tất cả đều biết, đều nghĩ đến một miền quê êm ả, thanh bình với những câu lý, điệu hò, với những nét văn hoá đặc trưng nổi bật khẳng định giá trị của một vùng đất anh hùng.
Bản sắc văn hóa của vùng đất cũng được tạo dựng bởi yếu tố giáo dục. Ngay từ thời xa xưa, nơi đây đã mở trường dạy học. Tùy theo cấp mà bố trí việc học, tỉnh thì có trường đốc, phủ có trường huấn, huyện có trường giáo, tại các làng, xóm thì dân cư tự lập ra các lớp học theo hình thức thả học, thả canh. Năm 1824, Phủ Thăng Bình có trường lớn đóng tại làng Trà Kiệu, đến năm 1848 trường được dời về làng Hà Lam. Hiếu học là truyền thống lâu đời của người dân Thăng Bình, qua từng thời kỳ với lượng người thi đỗ đạt cao. Trong Văn Chỉ tại Hà Lam được lập, khi chấm dứt việc thi cử khoa bảng dưới triều Nguyễn đã ghi có 1 tiến sĩ, 3 Phó bảng, 160 cử nhân, tú tài. Tiêu biểu có Tiểu La - Nguyễn Thành, Nguyễn Uýnh..Đến đầu thế kỷ XX, trường quốc ngữ mở ra nhiều, bên cạnh đó còn có trường công hương, liên hương nhưng chiếm tỉ lệ nhỏ, với khoảng 40 trường trên toàn huyện. Đến năm 1937, có trường tiểu học tại Thanh Ly, năm 1940 có thêm một trường ở Kế Xuyên. Mặc dù vậy, với chính sách ngu dân của thực dân Pháp đã làm cho nhân dân Thăng Bình nói riêng, tỉnh Quảng Nam, cả nước nói chung nhân dân ta rơi vào tình trạng thất học với 90% dân số không biết đọc, biết viết. Hiện nay, mạng lưới lớp học, trường học trên địa bàn huyện Thăng Bình được quan tâm, đầu tư phát triển mạnh, đáp ứng cơ bản đầy đủ nhu cầu dạy và học, với 5 trường Trung học phổ thông, 21 trường Trung học cơ sở, 29 trường tiểu học và hơn 22 trường mẫu giáo mầm non.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được quan tâm, đầu tư, trong kháng chiến chống Pháp trở về trước, mang tính tự phát từ nhân dân. Chỉ có 01 trạm xá, 01 nhà hộ sinh tại Hà Lam, nên việc ốm đau, chạy chữa của nhân dân đề cao các thầy thuốc Nam, thuốc Bắc. Hiện nay, trên toàn địa bàn huyện Thăng Bình khu vực công có: 01 bệnh viện đa khoa (Trung tâm y tế huyện), 01 cơ sở khám khu vực; 22 trạm y tế xã. Khu vực tư nhân có 01 bệnh viên đa khoa (Thăng Hoa).
Về cơ cấu, thành phần giai cấp trong xã hội, dưới chế độ phong kiến, sự phân hóa giai cấp trong xã hội diễn ra sâu sắc. Giai cấp địa chủ, cường hào là những người định quyền xã hội, gắn liền với bọn quan lại phong kiến, họ chiếm và nắm phần lớn ruộng đất trong xã hội nhưng chiếm số lượng ít so với tỉ lệ dân cư: Tại Thăng Bình vào năm 1930, với số ruộng đất công điền và số lượng người chiếm hữu trong xã hội được quy ra như sau: Hộ nông dân từ không có đất đến dưới 01 mẫu khoảng 15.783 hộ; từ 01 đến dưới 05 mẫu có khoảng 3.647 hộ; từ dưới 05 đến 10 mẫu có khoảng 408 hộ; từ dưới 10 đến 50 mẫu có khoảng 58 hộ chiếm 0,5% dân cư. Các hộ chiếm hữu nhiều ruộng đất thực hiện sự áp bức, bóc lột đối với giai cấp nông dân thông qua địa tô, các thứ thuế, vay nặng lãi, như địa chủ Thất Sáu ở Phụng Sơn (Bình Quế); Cửu Khoa ở Phước Thành (Bình Quý). Theo như Thích Đại Sán, một Thiền sư Trung Hoa từng sống tại xứ này nhận xét trong "Xứ Quảng Nam" như sau: "Dân rất khổ, đất ruộng ít ỏi, lúa chẳng đủ ăn...kiếm cơm ăm không phải là chuyện dễ, hoặc dùng cá tôm, rau quả trừ cơm, hằng ngày bữa no, bữa đói thất thường. Sau núi trước biển, chỗ nào có bãi cát thì cất nhà ở tùy số dân nhiều, tập hợp làm một xã hội có cai, có xã trưởng. Ruộng cấy, lúa phải nộp vào công khố chừng bảy, tám phần mười, dân chỉ được hưởng hai, ba phần mà thôi. Ngoài ra, còn có người làm nghề đánh cá, đốn củi đem về nộp cho bọn cai trưởng. Bọn này cấp cho bao nhiêu thì được nhờ bấy nhiêu. Thế mà còn phải nộp thuế thân mỗi năm 2 quan và các thứ thuế tre, gỗ, muối, gạo tùy theo thổ sản"[1]. Ngoài ra, trong xã hội của Thăng Bình qua các thời kỳ còn có giai cấp, tầng lớp trí thức tiểu tư sản, tiểu thương, tiểu chủ nhưng không nhiều, họ cùng chung số phận với đại đa số người nông dân, ngư dân.
IV. TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH YÊU NƯỚC
Lịch sử là cái đã xảy ra, thuộc về quá khứ, lịch sử được bảo tồn từ các tư liệu lịch sử, chứng tích lịch sử. Truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân huyện Thăng Bình rất phong phú, đa dạng và oanh liệt, với bề dày được kế tiếp, phát huy qua các thời kỳ. Minh chứng hùng hồn cho truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của nhân dân Thăng Bình hiện hữu qua các di tích lịch sử, văn hóa đã, đang và sẽ được công nhận như: Địa điểm căn cứ Huyện ủy Thăng Bình, cơ sở cách mạng nhà ông Phan Tựu, Mộ Hà Đình - Nguyễn Thuật (Hà Lam), Chiến thắng Đồng Dương (Bình Định Bắc); "Lăng bà Chợ Được"; “Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được”, "Vụ thảm sát Phước Châu"(Bình Triều); "Vườn Vông", "Đình Hiền Lộc", "Nhà bà Lưu Thị Nhiên - cơ sở cách mạng "(Bình Lãnh); "Căn cứ Lõm Bàu Bính", "Hàng Cừ - Cây Mộc"; "Vụ thảm sát tại hầm, vườn và nhà ông Đặng Trà"; "Vụ thảm sát tại hầm, vườn và nhà ông Nguyễn Thép"; "Vụ thảm sát tại hầm, vườn và nhà ông Nguyễn Trái"; " Vụ thảm sát tại Trảng Trầm"; "Vườn, nhà ông Phan Trái nơi đặt trạm cải tiến vũ khí"; "Trường Hòa Bình - Điểm tuyển quân - Nơi đặt cầu danh dự"; "Trạm Tiền Tiêu Đồi Sanh", "Nhà bà Nguyễn Thị Lang" (Bình Dương); "Nhà thơ Tộc Ngô - Kế Xuyên" (Bình Trung); nhà thờ tộc Nguyễn Đức (Hà Lam).
Truyền thống yêu nước của người Thăng Bình được cấu thành từ nhiều yếu tố khác nhau như con người, vùng đất, đặc điểm văn hóa và các yếu tố khác. Trước hết, cư dân có nguồn gốc từ miền Bắc khi đi mở mang bờ cõi đất nước về phương Nam, nên truyền thống đấu tranh yêu nước của người dân Thăng Bình cũng là truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam; tính đặc trưng truyền thống yêu nước đó được hình thành dựa trên tính cố kết cộng đồng, gắn bó đoàn kết tương thân, tương ái cùng nhau vượt qua hoạn nạn thiên tai, địch họa.
Trải qua các giai đoạn lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương, truyền thống đó là động lực, sức mạnh để quân và dân Thăng Bình đương đầu với nhiều kẻ thù hung bạo. Thăng Bình chính là nơi đã ghi dấu ấn lịch sử về con người, sự kiện ngay từ khi thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta vào cảng Đà Nẵng năm 1858, nhiều người con thân yêu của Thăng Bình đã dũng cảm chiến đấu dưới sự chỉ huy của thống soái Nguyễn Tri Phương và nhiều tướng lĩnh khác. Tiếp đó, dưới ngọn cờ của Đảng, mảnh đất này là nơi lan tỏa sớm chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tinh thần yêu nước ấy được hiện hữu qua hành động của con người trong các sự kiện lịch sử.
Tiểu La Nguyễn Thành - minh chứng tinh thần yêu nước, khí phách con người và vùng đất Thăng Bình: Nguyễn Thành (1863 - 1911), hiệu Tiểu La, một nhân vật văn võ song toàn, lập được nhiều chiến công trong các sự kiện đương thời chống thực dân Pháp xâm lược.
Khi Tiến sĩ Trần Văn Dư, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu chủ xướng phong trào nghĩa hội Cần Vương đánh Pháp tại Quảng Nam, ông nhận thấy việc cấp bách lúc này để góp sức cho dân, cho nước là phải đánh Pháp, trừng trị những kẻ phản bội. Sau những chiến công lập được ban đầu, ông được phong làm Tán tương quân vụ của nghĩa quân kiêm Tham biện Tỉnh vụ Quảng Nam. Sau khi Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu bị Pháp bắt và giết, Nguyễn Thành cũng bị bắt giam nhưng sau đó được trả tự do, ông về quê tại Nam Thành sơn trang ở làng Thạnh Mỹ (nay Bình Quý) cày ruộng, ẩn dật, tụ tập nhân sĩ tìm thời cơ hoạt động. Mùa xuân năm Quý Mão (1903), dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Quýnh, Phan Bội Châu từ trường Quốc Tử Giám ở kinh đô Huế vào Quảng Nam đến nông trang Nam Thành gặp Nguyễn Thành. Thế là lửa đã gặp gió, Nguyễn Thành đã gặp được người đồng tâm đồng chí để mưu bàn đại sự, hai người cùng nhau kể chuyện tâm phúc đến suốt đêm. Từ đó, Phan Bội Châu hoàn toàn khâm phục, kính trọng và tin tưởng Nguyễn Thành.
Ngày 8 tháng 4 năm Giáp Thìn (1904), tại Nam Thành sơn trang Tiểu La Nguyễn Thành tổ chức cuộc hội nghị bí mật với hơn 20 nhân sĩ trí thức yêu nước nổi tiếng đương thời để quyết định thành lập Duy Tân hội và bầu Ngoại hầu Cường Để làm Hội trưởng. Cuộc họp này được Phan Bội Châu ghi lại trong Tự Phán: "Đến ngày kỳ ước chính là thượng tuần tháng tư, tôi vào nhà Tiểu La, có cả ông Kỳ Ngoại Hầu tới. Giữa hội chỉ là người trọng yếu hơn hai chục người..". Lúc này, Nguyễn Thành là quân sư của Sào Nam Phan Bội Châu trong hội Duy Tân
Năm 1908, tại Quảng Nam dưới sự tác động, ảnh hưởng của phong trào Duy Tân đã khởi phát phong trào chống thuế, thực dân Pháp và bọn tay sai Nam triều tiến hành khủng bố trắng, ông cùng các nhà yêu nước bị bắt và đày ra Côn Đảo. Tại đây, bất chấp mọi cực hình tra tấn, Nguyễn Thành luôn giữ vững khí tiết của một nhà yêu nước. Năm 1911, ông bị bệnh và mất tại Côn Đảo. Trước khi mất, ông đã có câu văn vĩnh quyết "Thời cuộc xoay vần, cơ hội tốt sẽ đến, guồng máy Đông Á sau này còn nhiều cuộc biến đổi, anh em gắng lên". Dù mất nhưng Nguyễn Thành đã để lại tấm gương về lòng yêu nước, chí căm thù giặc và sự kiên nhẫn tìm đường cứu nước. Biết tin Tiểu La Nguyễn Thành hy sinh, Phan Bội Châu vô cùng đau xót, cô đơn và tiếc thương. Phan Bội Châu thống thiết tự tâm can trong bài Văn tế ông đã khóc Nguyễn Thành "Nghĩ một người đã tạo ra em, thành tựu cho em, mà nay kẻ mất người còn, hồn trời phách đất! và tuyên bố với đồng chí và quốc dân: "Tiểu La tiên sinh mất, Việt Nam mất một trang đại quốc sĩ".
Trong phong trào Cần Vương, tại Thăng Bình, nhân dân đã tích cực hưởng ứng, tham gia nghĩa quân chiếm sơn phòng Dương Yên, vây hãm Trà Kiệu, kéo quân đánh chiếm tỉnh đường ở La Qua, Tòa sứ Hội An. Khi đoàn người kéo đến Điện Bàn đã phối hợp với nhân dân Điện Bàn bắt tên tri phủ Trần Văn Thống, tên này trước đó làm Tri phủ Thăng Bình với những hành động hà hiếp, áp bức đã bị nhân dân nổi dậy đấu tranh quyết liệt nên bị đổi đi khỏi Thăng Bình. Trong phong trào này đã nổi lên một số nhân vật, trong đó có cử nhân văn võ Nguyễn Uýnh. Ông giữ chức Tán tương quân vụ trong nghĩa hội Cần Vương Quảng Nam, liên tiếp lập được nhiều chiến công. Khi tiến quân vào phía nam để liên kết với quân nghĩa hội Quảng Ngãi thì bị địch phục kích, ông chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh tại Quảng Ngãi. Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến đã tiếc thương ông: "Nhị huynh tại nhĩ văn chi. Quân dĩ đương trường lưu chính khí.Tam quan hành tắc thủy dữ. Ngã ư chế khổn phạp lương tài" Nghĩa là: "Hai anh còn đây, tin ông chiến đấu ở chiến trường thừa chính khí. Ba quân còn đó không có ông chỉ huy, ta mất một tướng tài"[2]
Tiếp đó, trong phong trào Duy Tân, dưới sự chủ xướng và lãnh đạo của Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng nhiều văn thân, sĩ phu yêu nước của Thăng Bình hưởng ứng, triển khai thí điểm nhiều nơi trong phủ Thăng Bình, trong đó tiêu biểu là Lê Cơ tại làng Phú Lâm, Thạnh Mỹ thuộc Thăng Bình.
Lê Cơ, thường gọi là Xã Sáu, quê làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Năm 1903, ông bị tri phủ Thăng Bình buộc làm Lý trưởng làng Phú Lâm, ông xem đây là điều kiện công khai thực hành công cuộc Duy Tân. Khi làm Lý trưởng, Lê Cơ đã tập trung trừ nạn cường hào ác bá: "bắt đầu cải cách từ việc sưu thuế cho đến việc lễ tế, canh phòng, trăm điều chấn chỉnh, bọn cường hào không thể thực thi thủ đoạn ích kỷ như trước mà dân chúng trong làng đều tâm phục cả". Ông đã vận động nhân dân tại Phú Lâm lập công hội, nông hội, mở trường dạy chữ quốc ngữ; lập hội buôn lấy tên là "Thương hội bình dân" nhằm trao đổi hàng hóa và làm trạm liên lạc để các nhà Duy Tân gặp gỡ, trao đổi thông tin, liên lạc, tiếp xúc với sĩ phu khắp nơi. Đặc biệt, Lê Cơ có công lao to lớn trong việc mở mang dân trí thông qua việc ông lập trường tân học Phú Lâm, với cách tổ chức, nội dung và phương pháp giáo dục tiên tiến nhất so với cả nước thời bấy giờ. Ông còn cho lập một khu vực riêng gọi là Tam thập xã thôn gồm 30 xã thuộc miền núi phủ Thăng Bình, giáp giới với các huyện Tam Kỳ, Tiên Phước và Quế Sơn sau này. Các xã ấy là: Phú Lâm, Phú Trường, Tứ Lâm, Tòng Lâm, Hoà Vinh, Cẩm An, Vinh Huy, Lộc Sơn, Hiền Lộc, La Nga, Cao Ngạn, An Tráng, Đại Tráng, Lộc An, Việt An v.v... Các xã liên kết lại với mục đích tương trợ và bảo vệ lẫn nhau, có tính chất như một khu "tự trị" nên khiến cho thực dân Pháp vô cùng lo sợ.
Trong phong trào này, nhận thấy được địa lợi và nhân hòa của vùng đất Thăng Bình nên các thủ lĩnh đã chọn nơi đây để thành lập và đứng chân của Duy Tân hội. Đứng trước nạn sưu thuế, dưới ảnh hưởng trực tiếp của phong trào Duy Tân, năm 1908, nhân dân các huyện Tiên Phước, Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ, Duy Xuyên thuộc tỉnh Quảng Nam đứng lên đấu tranh "chống đi phu, đòi giảm sưu thuế" rồi lan ra các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào, ra lệnh phải đóng cửa các trường học, giải tán các hội buôn, bắt bớ hàng trăm người có liên quan, trong đó các thành viên lãnh đạo phong trào Duy Tân. Ông bị bắt giam tại nhà lao Hội An đến năm 1911 mới được trả tự do.
Trong khi đó, tại phủ Thăng Bình, Ban khởi nghĩa vũ trang các tổng được thành lập, giao cho các văn thân sĩ phu yêu nước trong vùng lãnh đạo như: ông Võ Kiến, Huỳnh Thế Kỷ (Diên Phước), Ngô Đạm (Kế Xuyên), Lê Diễn (Tiên Đỏa), Nguyễn Thoại, Nguyễn Thuần (Ngọc Phô). Được tuyên truyền, vận động, nhân dân Thăng Bình đã đóng góp công sức, của cải cho nghĩa quân và trực tiếp tham gia khởi nghĩa.
Theo kế hoạch chung, năm 1916, sẽ khởi nghĩa toàn miền. Hoạt động đóng góp cho phong trào chung lúc này nổi bật nhất vẫn là Lê Cơ. Tại Tổng Vinh Quý, Ban chỉ huy khởi nghĩa được thành lập gồm Lê Cơ, Phan Quang, Trịnh Đông Lâm. Tại làng Phú Lâm, dưới sự chỉ huy của Lê Cơ quân khởi nghĩa cùng với dân trong làng bí mật rèn vũ khí, đưa hơn 30 thợ về dệt vải rằn, may quân trang, quân dụng.. góp cho Ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh. Tiếp đó, ông cùng Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành tài… vận động, tổ chức và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân. Ngày khởi sự, ông có mặt tại Huế, giữ nhiệm vụ nổ pháo lệnh tại đồn Mang Cá trong kinh thành Huế. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa bị lộ và thất bại, ông cùng Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Để, Nguyễn Quang Siêu đưa vua Duy Tân ra khỏi kinh thành, nhưng sau đó bị bắt ở Hà Trung (phía Nam thành Huế). Thái Phiên, Trần Cao Vân bị xử tử, ông và các đồng chí khác lưu đày đến nhà lao Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị). Năm Mậu Ngọ 1918, một vụ phản kháng bọn lính đàn áp tù nhân, Lê Cơ bị cai ngục thảm sát bằng súng cùng với tú tài Dương Thưởng, Lê Nhung... Tương truyền khi bị bắn ông chết đứng, một hồi lâu mới ngã.
Trong cuộc nổi dậy khởi nghĩa tại Thăng Bình, những sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thế Kỷ, Lê Diễn, Huỳnh Hiến, Võ Kiều bị bắt và đày đi biệt xứ. Dù thất bại nhưng nơi đây đã để lại dấu ấn về tinh thần quật khởi và ý chí bất khuất của quân dân Thăng Bình trong cuộc đấu tranh chống thực dân, phong kiến.
Dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến, sự nhũng nhiễu của bọn cường hào ác bá, nhân dân Thăng Bình luôn đoàn kết một lòng, sẵn sàng tham gia, hưởng ứng các phong trào đấu tranh yêu nước, nhất là sự quật khởi trong phong trào chống sưu cao, thuế nặng, tạo tiền đề để phong trào lan sang các vùng khác. Với những điều kiện về vùng đất, con người, văn hóa và truyền thống làm cho nơi đây trở thành mảnh đất lành cho sự du nhập, tiếp thu sớm chủ nghĩa Mác-Lênin và hình thành các tổ chức tiền thân của Đảng như Hội nông dân, Hội bóng đá, Hội lợp nhà, Hội thanh niên cứu quốc.
Như vậy, kể từ năm 1858, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta cho đến trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nhân dân Thăng Bình đã kết tinh xây nên truyền thống yêu nước, đã liên tiếp vùng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, góp phần giữ yên bờ cõi. Tinh thần yêu nước, ý chí quật cường bất khuất ấy chính là bản sắc văn hóa đặc trưng đáng tự hào và không ngừng được phát huy. Khi có sự lãnh đạo với đường lối đúng đắn khoa học của Đảng, truyền thống đó là tiền đề, là nền tảng vững chắc để quân và dân Thăng Bình một lòng theo Đảng làm cách mạng, viết tiếp những trang sử chói lọi của quê hương, dệt thêu nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp sức mình vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vững bước đi vào kỷ nguyên mới của độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc./.
Biên soạn: Lê Vũ Dũng
[1] Trích Thích Đại Sán, Hải ngoại kỉ sự. Nguyễn Duy Bột dịch. Đại học Huế xuất bản năm 1960
[2] Trích Hà lam xã Chi - Hội đồng gia tộc tiền hiền Hà Lam. Năm 2003
[1] Trích Quảng Nam đất nước và nhân vật của Nguyễn Quảng Thắng. NXB VHTT. Sđđ, tr 119,120.
[2] Dinh Quảng Nam I. Nguyễn Đình Đầu, sđđ, tr 59
[3] Dinh Quảng Nam I. Nguyễn Đình Đầu, sđđ, tr 62.
[4] Dẫn theo tài liệu UB KC-HC miền Nam Trung Bộ năm 1950. Ban sao lưu tại Phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Tuy nhiên, theo Lịch sử đảng bộ huyện Thăng Bình. Xuất bản năm 2000 cho rằng lúc này Thăng Bình từ 165 xã (làng) cũ thành 59 xã và có 167 xã hợp lần thứ nhất còn 61 xã
[5] Dẫn theo "Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính (1945-1997)'. Nguyễn Quang Ân. 1997, tr26, 46. 11 xã gồm: Thăng An, Thăng Triều, Thăng Trường, Thăng Long, Thăng Nguyên, Thăng Điền, Thăng Lãnh, Thăng Lộc, Thăng Hưng, Thăng Lâm, Thăng Phương
[1] Ô Châu Cận lục (khuyết danh), Dương Văn An nhuận sắc và đề tựa. Bùi Lương dịch. Văn hóa Á châu, xuất bản năm 1961. Sài Gòn.
[2] Theo Niên giám thống kê năm 2013. (Tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2013.)