Nguyễn Thuật (1842-1911) là một danh thần triều Nguyễn mà cũng là một văn sĩ lớn cùng thời với Nguyễn Thông (1827-1884), Phạm Thận Duật (1825-1885), Nguyễn Tư Giản (1823-1890), Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902), Bùi Văn Dị (1832-1895), Đào Tấn (1845-1907), Dương Khuê (1839-1902), Dương Lâm (1851-1920)...vang vọng một thời của lịch sử và văn chương Việt Nam.
Chân dung cụ Thượng Hà Đình
Ông nguyên tên là Nguyễn Công Nghệ, hậu cải là Nguyễn Thuật, thứ nam ông Nguyễn Đạo (1803-1872) một bậc “Nghĩa sĩ phẩm hạnh”, bào đệ sơn phòng sứ Nguyễn Tạo (1822-1892) một vị “Quan thanh liêm tài giỏi” được triều đình khen thưởng suốt hoạn lộ. Ông sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Dần (1842) tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam và các em trai: liệt sĩ Nguyễn Duật (Nguyễn Công Trứ), Nguyễn Tấn (Nguyễn Công Phước), Nguyễn Suyễn (Nguyễn Công Nho), Nguyễn Sum (Nguyễn Công Tố) cùng làm quan cuối triều Nguyễn.
Thủy tổ Nguyễn Thuật là cụ Nguyễn Công Châu, nguyên quán làng Hiu, xã Bình Luật, phủ Thạch Hà, trấn Nghệ An. Khoảng đời Lê Thánh Tông (1471) vào khai khẩn rồi định cư tại xã Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, đạo Thừa tuyên Quảng Nam (nay là Thị Trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Nguyễn Thuật hiệu là Hà Đình, tự là Hiếu Sinh. Lúc ông làm quan rồi về hưu nhân dân thường gọi là “cụ Thượng Hà Đình”.
Ông xuất thân trong một gia đình nho học, vọng tộc, thân phụ là cụ Nguyễn Đạo tự Lam Điền và bà chánh thất Võ Thị Tại (Tùng nhị phẩm phu nhân) định cư tại Thăng Bình từ lúc tổ tiên đến cư ngụ, khai khẩn xã Hà Lam cho đến hiện nay. Thuở nhỏ ông học tại gia, trường Huấn Thăng Bình, trường Đốc Quảng Nam, sau khi thi đỗ cử nhân (1867, Tự Đức thứ 20), năm sau (1868, Tứ Đức thứ 21) đỗ Phó bảng được bổ hàm Thị Lang nội các, rồi thăng Giáo đạo (Trường Dưỡng Thiện) dạy các Hoàng tử, Tổng đốc Thanh Hóa, từng được phong hàm: “Thái tử Thiếu Bảo, Hiệp Biện Đại học sĩ, Quản lãnh Lại Bộ Thượng thư, Sung cơ mật viện đại thần. Kinh Diên giảng quan, Tổng tài quốc sử quán, Chánh nhất phẩm, Đông Các đại học sĩ, Tước An Trường tử”.
Từ khi bắt đầu làm quan cho đến lúc về hưu, ông được triều đình chính thức cử giữ các chức vụ tại triều và biên quận. Đầu tiên cử giữ chức hàm: Biên tu sung Hàn lâm viện nội các, Năm Tự Đức thứ 34 thăng hàm: “Tham tá các vụ” lãnh “Hộ Bộ thị lang” rồi phụng mạng làm chánh sứ sang Trung Hoa năm 1881. Khi trở về thăng hàm “Tham tri”.
Năm Tự Đức thứ 36 (1883) lại phụng mạng đi sứ Trung Hoa hội thương tại Thiên Tân (Trung Quốc). Tại Việt Nam lúc đó vua Tự Đức băng hà, ông ở Thiên Tân một thời gian ngắn, công việt không thành, ông về nước. Năm Giáp Thân vua Kiến Phúc nguyên niên (1884) ông được bổ Tuần vũ Thanh Hóa.
Năm Ất dậu (1885) Pháp chiếm Kinh đô Huế, ông xin bãi chức vì anh, em, con cháu ông tham gia Nghĩa hội, nhưng triều đình không chấp thuận. Vua Đồng Khánh chuyển ông trở về sung chức Tuyên úy sứ Quảng Nam - Tả trực Kì - rồi làm Thượng thư Bộ Hộ.
Năm Đinh Hợi (1887) vua Đồng Khánh thứ hai ông phụng mạng Khâm sai làm Tổng đốc Thanh Hóa. Năm Giáp Tý Thành Thái thứ 5 (1893) ông về kinh được phong hàm “Hiệp tá đại học sĩ” tùng nhất phẩm – phong tước “An Trường Tử”, lãnh Thượng thư bộ Binh. Trong mười năm đó, ông luân phiên làm Thượng thư đủ 5 bộ tại triều.
Năm Thành Thái thứ 13 (1901) ông chống với Cần chánh Nguyễn Thân (1840-1914) rồi xin về hưu, vì việc Nguyễn Thân ra Hà Tĩnh dụ các Văn thân chi đảng của cụ Phan Đình Phùng đem về kinh thông báo với Pháp đem ra pháp trường chém hết mười mấy người. Ông nhất định không ký tên mà Nguyễn Thân không nghe, ông xin về hưu trong năm này.
Đời vua Thành Thái (1888-1907) ông làm Thượng thư bộ binh sung Cơ mật viện đại thần, rồi xin về hưu trong năm 1901 như vừa nhắc trên.
Thời gian hưu trí tại bản quán, ông mở trường dạy học tại quê nhà. Đến năm 1902, nhân vụ Cần Chánh Nguyễn Thân (1840-1914) một tay sai khét tiếng của Pháp lộng quyền ở triều và bất hòa với một tay sai khác là Hoàng Cao Khải (1850-1933) có hành vi tàn ác, ông bất khuất xin về trí sĩ. Sau đó, chính quyền bảo hộ Pháp, Nam triều thải hồi hai ông: Thân và Khải. Liền đó vua Thành Thái có chỉ triệu ông và cựu thượng thư Hồ Lệ (1848-1905) ra Huế thay hai nhân vật trên. Điều đó thấy được tư cách ông và Hồ Lệ trong hoạn lộ từng giúp vua trị nước của mình.
Đến đời vua Duy Tân (1907-1916) ông vẫn giữ chức Thượng thư rồi về hưu lần thứ hai. Sau khi về hưu dạy học tại Hà Lam, nơi có Hà Kiều do ông thiết kế hồi sinh thời hơn tám năm trước khi qua đời.
Năm 1911, ông mất vào ngày 23 tháng 11 năm Tân Hợi, hưởng thọ 69 tuổi Tây (âm lịch thọ 70 tuổi).
Nguyễn Thuật là một đại thần trải các đời vua từ Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, từng đi sứ Trung Quốc, chủ khảo các kỳ thi Hội mà gia đình vẫn thanh bạch. Đương thời ông được nhân dân và sĩ phu trọng vọng. Người đời (cả bình dân lẫn trí giả) trọng vọng ông là trọng vì tài, vì đức, vì đời tư cùng phẩm cách của một trí giả, một văn gia, một nhà mô phạm mẫu mực của truyền thống giáo dục Việt Nam.
Lúc làm quan, nhiều lần ông được triều đình (Bộ lễ) cử làm chánh chủ khảo các kỳ thi Hương, như chủ khảo khoa Kĩ mão (1879) tại trường thi Nam Định, chủ khảo khoa Giáp thân (1884) tại trường thi Thanh Hóa. Đặc biệt là ngay sau khi chấm thi vừa xong, ông vẫn được lệnh triều đình tiếp tục cử làm chánh chủ khảo trường thi Hà Nội và Nam Định (vì Pháp vừa đánh phá Hà Nội trường bị tàn phá) cùng thi chung tại trường Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, ông từng được triều đình cử làm quan duyệt quyển cho các kỳ thi Hội tại kinh đô Huế, như làm quan duyệt quyển khoa Hội thí Đinh Sửu năm Tự Đức thứ 30 (1877), và quan duyệt quyển Ân khoa Giáp thân năm Kiến Phúc thứ nhất (1884). Riêng trong năm 1884 ông từng làm chánh chủ khảo ba trường thi Hương và một trường thi Hội mà chưa có một học quan nào từng đảm đương việc thi cử liên tục như vậy. Điều đó (quý trọng sự học) còn được thấy rõ qua suy nghĩ và việc sáng tác văn chương của ông.
Cứ mỗi kỳ hương thí hay hội thí, ông đều có hàng chục câu đối mừng các vị tân khoa đạt mộng khoa cử, đây là một việc làm hiếm có đối với một vị đại thần mà cũng là tư cách cùng một tâm hồn văn chương đầy tính hàn mặc của một văn gia giàu nghệ sĩ tính của lịch sử văn học Việt Nam cận đại.
Ngoài một đại thần, một sử gia, nhà giáo dục... Hà Đình còn là một nhà thơ có thi tài trác tuyệt (tác giả hàng trăm bài thơ luật Hán, Nôm) của lịch sử văn chương Việt Nam vào thời cận đại (thế kỷ XIX) mà ít có thi gia nào toàn bích như ông. Thơ Hà Đình có thi tính, giàu nghệ thuật ngôn từ kèm thi ảnh cho đó là thơ ngôn chí, tự tình, cảm thời thế... Thơ văn ông không những giàu về lượng (hơn 500 bài cả thơ lẫn văn, chưa kể số câu đối) mà chất của mỗi thi đề, văn đề đều hàm một nội hàm sâu lắng, một nhân sinh quan tích cực cộng với thế giới quan lành mạnh, trong sáng của nhà thơ sinh trưởng tại quê nghèo xứ Quảng.
Cuộc đời cụ là ngôi sao trên bầu trời tỏa sáng cho đến khi tan vào vô tận mà dư quang vẫn còn lấp lánh trong hồn thiêng sông núi, soi sáng cho lớp hậu bối, các nhà nghiên cứu sử học đã đánh giá: Nguyễn Thuật là Danh thần triều Nguyễn, Danh nhân văn hóa dân tộc.
Hà Đình - Nguyễn Thuật mất năm 1911 (Tân Hợi) và được an táng tại quê nhà. Năm 1924, do điều kiện không thuận lợi nên mộ ông được di dời đến xã Bình Nguyên, đến năm 1976 mộ ông được dời về lại khu nghĩa địa Xá Trâu. Con cháu ông đã vận động kinh phí từ tộc họ và các cơ quan chức năng, tổ chức xây lại lăng cho ông, hoàn thành vào năm 2010.
Mộ cụ Hà Đình - Nguyễn Thuật được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 292/QĐ-UBND, ngày 21.01.2011.