Năm 1969, Mỹ thực hiện chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh”, thực chất của chiến lược này là tiếp tục thực hiện âm mưu "dùng người Việt đánh người Việt". Tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, địch mở nhiều cuộc càn quét với quy mô lớn nhằm “bình định” và "lấn chiếm", giành dân và lấn đất, tiêu diệt cơ sở cách mạng. Sau nhiều ngày đánh phá, càn quét liên tiếp, địch đã bị quân và dân vùng Đông Thăng Bình tổ chức tiến công tiêu diệt địch làm cho địch bị tổn thất nặng nề.
Càng thất bại, địch càng điên rồ chém giết dân thường vô tội, trước khi rút quân khỏi xã Bình Dương, địch cho lữ đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn (Nam Triều Tiên) vào xã Bình Dương gây ra nhiều vụ thảm sát rất dã man. Một trong số những thảm sát tại xã Bình Dương cùng vào ngày 12.11.1969 là vụ thảm sát tại hầm, vườn và nhà ông Nguyễn Thép (Thơ). Tại đây, địch đã sát hại 54 người, chủ yếu là các cụ già, phụ nữ và trẻ em.
Di tích lịch sử vụ thảm sát tại hầm, vườn và nhà ông Nguyễn Thép (Thơ) ghi lại tội ác dã man của kẻ thù đối với Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; qua đó làm nung nấu thêm tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc của Nhân dân Bình Dương nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Di tích lịch sử “Vụ thảm sát tại hầm, vườn và nhà ông Nguyễn Thép (Thơ)” được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 4267/QĐ-UBND, ngày 21.11.2005.