Vang danh hậu thế
Trong chiến dịch thân chinh bình Chiêm mở cõi của vua Lê Thánh Tông vào ngày mùng 7 tháng giêng năm Tân Mão (1471), tướng Lê Thập chỉ huy đạo tả quân, còn bà Phô Thị theo vua phụ trách quân lương cho tiền tuyến. Vào đầu tháng 2.1471, khi đoàn thuyền vận chuyển quân lương của Đại Việt từ Cửa Đại (còn có tên cửa Đại Chiêm) vào ngả Hội An, dọc theo Trường Giang, rẽ vào nhánh sông nhỏ suối Ngọc Phô (một nhánh nhỏ của sông Ly Ly chảy theo hướng đông nam nhập vào sông Trường Giang đổ ra khu vực biển Tam Hải, huyện Núi Thành) thì gặp giặc Chiêm chặn đánh. Nhằm bảo toàn quân lương không để rơi vào tay giặc, bà Phô Thị đã dũng cảm xông pha trước làn tên mũi đạn, rồi chẳng may tử thương nơi cánh rừng (sau trở thành cánh đồng làng). Sự dũng cảm và hy sinh cao cả của bà tạo khí thế cho hùng binh Đại Việt xông lên quyết tử, phá tan được giặc.
Tương truyền, sau khi hy sinh, bà rất hiển linh. Trong một đêm nọ, bà đã linh ứng mách bảo cho vua Lê Thánh Tông cùng thân phụ của mình rằng, giặc Chiêm dưới quyền thống lãnh của Thân vương Trà Toại cùng các tướng Chiêm sẽ rút về Đồ Bàn qua ngả Thượng đạo… Vua Lê tỉnh giấc liền sai tướng Nguyễn Đức Trung đem 2 vạn quân bộ phục sẵn tại triền núi Mộ Nô (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi). Tiên phong tướng quân Lê Thế và Trịnh Văn Sái, Lê Tấn Trung cùng tả tướng Lê Thập đem hơn 500 thuyền chiến, 3 vạn tinh binh chèo gấp vào cửa Sa Kỳ (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đào hào đắp lũy, chặn đường rút lui của đại quân Chiêm từ Chiêm Động kéo về Đồ Bàn. Ngày mùng 7 tháng 2 năm 1471, vua Lê đích thân cho dựng cờ Thiên tử. Quân Chiêm sợ hãi cuống cuồng, mất nhuệ khí chiến đấu, hoảng sợ tan vỡ, chạy đến đâu cũng bị quân Đại Việt chặn đánh. Giặc bèn chạy về hướng núi phía tây, bị các tướng Lê Niệm, Ngô Hồng thúc quân ra đánh. Giặc chạy lên núi, lại bị tướng Nguyễn Đức Trung chỉ huy quân binh phục đánh.
Để tưởng niệm sự hy sinh cao cả và sự hiển linh của bà, vua Lê Thánh Tông sắc chỉ cho lập đền thờ tại nơi bà mất, và xứ Phú Vinh Đông được cải địa danh thành làng Phô Thị. Qua sự tích về công đức của bà, năm 1805 dưới triều vua Gia Long, đền thờ bà được nhà vua cho tu sửa lại kiên cố hơn.
Hiện lăng mộ vẫn còn giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Lăng mộ thờ bà quay về hướng tây bắc - đông nam. Lăng mộ có diện tích tương đối hẹp (45m2), làm theo lối kiến trúc của đình làng ngày xưa với góc mái cong, thường gọi là đao mái. Mái nhà lợp ngói âm dương, vút cong ở phần cuối rất thanh thoát. Các đầu đao lại được trang trí hình con phượng, hai đầu bờ nắp đắp vênh lên như mũi thuyền. Chính giữa mái lăng là rồng chầu nguyệt rất sinh động. Bên trong lăng được bài trí như một ngôi đình thờ thần làng, 2 gian và 3 chái, tường xây bằng vôi gạch. Sườn nhà làm bằng gỗ mít, tất cả cấu kiện kiến trúc của ngôi nhà (cột kèo, xuyên, trính, đòn tay) được kết nối với nhau hoàn hảo, chắc chắn bằng kỹ thuật mộng chốt. Các cột hàng nhất, hàng nhì chân cột được kê trên những tảng đá xanh vuông. Sức nặng công trình được đặt lên cột, cột đặt lên các đế chân cột chứ không chôn xuống nền. Bốn cột chính tròn đều, trên vì kèo của 2 cột phía nam có khắc 3 chữ “Trà Long xã”.
Tẩm trong cùng là nơi an phụng thần mộ, phía trước là bàn thờ bà. Trên bàn thờ, ngoài hương án, bình hoa bằng sứ còn có hòm đựng sắc phong “Liệt Nữ Dực Chấn Linh Nhân Chi Đẳng Thần” (hiện nay không còn) và các vật thờ như cái chang tóc, chiếc áo dài hạt mè, đôi hài cùng binh khí. Điểm đặc biệt hơn nữa, trong lăng mộ có thờ một chiếc “vỏ trấu” - biểu tượng lương thực chính của quân ta thời mang gươm mở cõi mà Bà được giao phó đảm nhiệm.
Ghi nhớ ngày 25.12.1470 khi bà theo vua Lê Thánh Tông từ cửa Thuận An theo hải trình nam tiến, nhân dân địa phương chọn ngày 25 tháng chạp làm ngày tế lễ thường niên tại lăng thờ bà.