|
Ông Xa Văn Hùng bên những tấm bia của Văn miếu Hà Lam xưa còn được lưu giữ. Ảnh: Đ.CAO |
Lần tìm xuất xứ
Tổng hợp từ một vài tư liệu cũng như qua ký ức của các bậc cao niên trên địa bàn, chúng tôi lần tìm xuất xứ của di tích. Năm Bính Thìn (1856), vua Tự Đức đã chuẩn y cho xây dựng Văn miếu Hà Lam từ đề xuất của các văn thân nho sĩ tại làng Hà Lam cũng như các địa phương khác thuộc huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (huyện Thăng Bình ngày nay). Văn miếu Hà Lam xưa nằm ở trung tâm làng Hà Lam, khu vực bàu sen Hà Kiều ngày nay. Hệ thống kiến trúc văn miếu rất quy mô, bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục bắc - nam. Khuôn viên được bao bọc bởi 4 bức tường xây bằng gạch vồ, có cổng tam quan, có lầu chuông trống. Bên trong văn miếu có tiền đường, hậu tẩm cách nhau một sân gạch hình chữ nhật. Hai bên là hữu vu và tả vu - tây đường và đông đường. Hậu tẩm có 3 gian, gian trung thờ đức Khổng Tử với tượng được tạc bằng gỗ, sơn son thiếp vàng, còn 2 bên được chia ra thờ các Tiên hiền, Tiên nho và là nơi đặt 9 tấm bia ghi danh các vị khoa bảng, bia công đức, tiết hạnh khả phong…
Kiến trúc đậm nét văn hóa Nho học đã bổ túc cho 3 chức năng của văn miếu: thờ đức Khổng Tử và các vị Á thánh; nơi đặt bia ghi tên các vị khoa bảng, các vị tiết hạnh của huyện, tỉnh; nơi để dạy học cho các sinh đồ. Nằm chung trong quần thể của văn miếu còn có miếu Ngũ vị lưu giữ các sắc phong do vua ban, miếu Bà Đa thờ Thần ngũ hành, miếu Cao Dao thờ vị thần Pháp quan, miếu Nhà nghề thờ tổ sư nghề hát bội… Trong suốt 100 năm tồn tại, Văn miếu Hà Lam có tất thảy 11 tấm bia, trong đó có 6 tấm bia vinh danh 1 vị tiến sĩ, 3 phó bảng, 31 cử nhân và 129 vị tú tài trong suốt 124 năm tính từ thời vua Gia Long đến vua Bảo Đại.
Ngày trước, Văn miếu Hà Lam là chốn thâm nghiêm. Hằng năm, cứ vào tiết tháng 2 âm lịch, các vị khoa bảng toàn phủ họp hội, tế lễ tưởng nhớ đức Khổng Tử cùng với các vị khoa bảng. Khoảng tháng 8 âm lịch, các vị quan thân tổ chức lễ tưởng niệm, tục gọi là “Tế thánh” có ý nghĩa tôn sư trọng đạo, đồng thời vận động quyên góp tiền bạc, ruộng đất gây quỹ. Tiếc thay, giai đoạn kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, văn miếu bị triệt hạ. Năm 1955 tuy có chỉnh trang nhưng không sinh hoạt, không có người bảo quản nên dần dần bị hư hại. Sau ngày thống nhất đất nước, địa điểm này dùng để xây Trường Tiểu học Hà Lam nay là Trường Tiểu học Kim Đồng.
Cần khôi phục giá trị
Ông Xa Văn Hùng - tác giả nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa - nghệ thuật của huyện Thăng Bình cho rằng, nghiên cứu, sưu tầm, đằng lục, dịch thuật, hiệu đính tư liệu văn hóa để góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị tích cực của Văn miếu Hà Lam là điều cấp thiết. “Trước hết, huyện Thăng Bình cần tổ chức bài bản các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học để có cơ sở, dữ liệu khoa học phục vụ cho việc phục hồi di tích theo nguyên tắc tuân thủ đúng từ kết cấu, bố cục, hình thể đến vật liệu, chất liệu, màu sắc, cảnh quan. Có vậy mới bảo tồn được nguyên gốc của Văn miếu Hà Lam trước đây” - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Xa Văn Hùng, địa điểm để phục dựng Văn miếu Hà Lam là khu vực xung quanh bàu sen Hà Kiều. Song song với nghiên cứu phục hồi cần phải bàn đến việc phát huy di tích như thế nào nếu không muốn sau khi di tích được phục dựng sẽ lại rơi vào cảnh cửa đóng, then cài. Muốn phát huy di tích, phải tạo sự hiểu biết về di tích dưới các góc độ giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng, văn hóa, nhân văn. Trước hết đó là biểu tượng của tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng nhân tài. “Sau khi di tích được phục dựng, rất cần sưu tầm, tổ chức trưng bày về lịch sử xây dựng, quá trình hoạt động của văn miếu. Trong đó, thể hiện rõ những thay đổi của di tích qua các thời kỳ. Các hình thức tổ chức dạy học, thi cử thời xưa... cần được giới thiệu đến công chúng, nhất là thế hệ trẻ để họ hiểu rõ hơn những sự kiện lịch sử tiêu biểu đã từng diễn ra tại nơi đây” - ông Hùng cho biết.
Bà Lê Thị Thanh Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, để phát huy cao nhất các giá trị truyền thống của Văn miếu Hà Lam, sau khi phục dựng, huyện sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thiết thực ở đây. Đáng kể nhất là huyện sẽ vinh danh những tấm gương hiếu học, học giỏi, trao giải cho những học sinh giỏi của các trường trong huyện tại văn miếu nhằm khuyến khích việc học, trọng người tài. Ở tầm nhìn xa hơn, huyện sẽ có một một chiến lược cụ thể, chính sách lâu dài để phát triển du lịch văn hóa - sinh thái xung quanh khu vực Văn miếu Hà Lam gắn kết với khu vực bàu sen Hà Kiều, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.