QUY ĐỊNH
Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối
quan hệ công tác của Văn phòng Huyện ủy Thăng Bình
--------
CHƯƠNG I
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
Điều 1: Chức năng.
1- Văn phòng Huyện ủy Thăng Bình là cơ quan nằm trong hệ thống các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Huyện ủy. Đồng thời là cơ quan tham mưu tổng hợp của Huyện ủy, giúp Huyện ủy mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy trong việc tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ; tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực kinh tế- xã hội, nội chính của cấp ủy cũng như các nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính, tài sản của Đảng bộ đúng quy định hiện hành.
2- Trực tiếp quản lý tài sản, tài chính của Huyện ủy, đảm bảo hậu cần cho hoạt động của cấp ủy; là trung tâm thông tin tổng hợp các hoạt động của Đảng bộ.
Điều 2: Nhiệm vụ.
1- Nghiên cứu, đề xuất:
1.1- Là cơ quan chuyên nghiên cứu chương trình công tác của Huyện ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy, giúp Huyện ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế làm việc.
1.2- Sơ kết, tổng kết công tác văn phòng cấp ủy các cấp trên địa bàn huyện.
2- Hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, giám sát:
2.1- Công tác thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Huyện ủy; chế độ cung cấp thông tin cho cấp ủy viên và các tổ chức; theo dõi, đôn đốc đảng ủy các xã, thị trấn và các chi, đảng bộ trực thuộc thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định.
2.2- Tiếp nhận, phát hành và quản lý các tài liệu, văn bản đến và đi; bảo quản, khai thác mạng nội bộ. Thực hiện và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ bảo mật theo quy định ở Văn phòng Huyện ủy và văn phòng cấp ủy cấp dưới.
2.3- Thường xuyên hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng, công khai tài chính, tài sản của Đảng trong hệ thống văn phòng cấp ủy. Tổ chức phong trào thi đua trong hệ thống văn phòng cấp ủy.
3- Thẩm định, thẩm tra:
3.1- Đề án của các cơ quan, tổ chức trước khi trình Huyện ủy, Ban Thường vụ, Thường trực về: yêu cầu, phạm vi, quy trình, thẩm quyền ban hành và thể thức, thể loại văn bản của đề án.
3.2- Nội dung các văn bản thuộc lĩnh vực kinh tế- xã hội, nội chính trước khi trình Huyện ủy, Ban Thường vụ (nếu được Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy giao).
4- Phối hợp:
4.1- Tham gia phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất, cụ thể hóa một số chủ trương của Huyện ủy về cơ chế, chính sách kinh tế- xã hội, nội chính; tham gia ý kiến với cơ quan nhà nước trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
4.2- Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng một số văn bản như chương trình hành động và một số văn bản khác do Huyện ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy giao.
4.3- Tham gia, phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy trong việc quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, biên chế văn phòng cấp ủy trực thuộc Huyện ủy.
4.4- Phối hợp với các ban đảng, Mặt trận, các đoàn thể, các chi, đảng bộ trực thuộc tham mưu giúp Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy chỉ đạo kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế của Trung ương, của tỉnh, của Huyện ủy về kinh tế, văn hóa- xã hội, nội chính, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị và việc thực hiện chủ trương, chế độ, nguyên tắc quản lý tài chính, tài sản của Đảng bộ.
4.5- Phối hợp với các cơ quan khối nội chính giúp Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy chỉ đạo công tác nội chính, thư từ tiếp dân, xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, đảng viên.
5- Thực hiện một số nhiệm vụ do Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy giao:
5.1- Tiếp nhận và xử lý đơn, thư gửi đến Huyện ủy; kiến nghị với Thường trực Huyện ủy chỉ đạo xử lý những đơn, thư có nội dung quan trọng; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết một số đơn thư được Thường trực Huyện ủy giao; phối hợp với các cơ quan chức năng làm công tác tiếp công dân.
5.2- Tổng hợp tình hình tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Trung ương, của tỉnh, của Huyện ủy, hoạt động của các TCCS đảng trực thuộc, giúp Huyện ủy thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất.
5.3- Quản lý, bảo quản và tổ chức khai thác tài liệu, phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội, giúp Thường trực Huyện ủy chỉ đạo và trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ các địa phương, đơn vị theo quy định.
5.4- Tổ chức quản lý, khai thác, ứng dụng, bảo vệ mạng thông tin diện rộng của Đảng bộ; hướng dẫn và tổ chức tập huấn đào tạo về công nghệ thông tin cho văn phòng cấp ủy và các Đảng ủy xã, thị trấn.
5.5- Là đầu mối giúp Thường trực Huyện ủy xử lý công việc hằng ngày; phối hợp, điều phối chương trình công tác của Bí thư, các Phó Bí thư và một số hoạt động của các ủy viên Ban Thường vụ để thực hiện quy chế làm việc, chương trình công tác; phối hợp với các cơ quan tham mưu của Đảng phục vụ hoạt động của Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy.
5.6- Tham gia chuẩn bị nội dung và tổ chức phục vụ đại hội Đảng bộ huyện, các cuộc họp Ban Thường vụ Huyện ủy, các hội nghị Ban Chấp hành, hội nghị do Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy triệu tập, các cuộc làm việc của Bí thư, Phó Bí thư Huyện ủy.
5.7- Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ hoặc Thường trực Huyện ủy giao.
CHƯƠNG II
TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ
Điều 3: Tổ chức bộ máy.
1- Lãnh đạo Văn phòng Huyện ủy.
Gồm Chánh văn phòng và các phó chánh văn phòng (không quá 3 phó văn phòng )
2- Các đơn vị trực thuộc.
2.1- Bộ phận Tổng hợp
2.2- Bộ phận Hành chính quản trị
2.3- Bộ phận Văn thư lưu trữ
2.4- Bộ phận Tài chính đảng
Biên chế Văn phòng Huyện ủy là 11 người
CHƯƠNG III
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 4: Quan hệ với Huyện ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy và Văn phòng Tỉnh ủy.
1- Văn phòng Huyện ủy chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo về mọi mặt của Huyện ủy, trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy; thực hiện chế độ báo cáo, xin ý kiến và đề xuất các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng với Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy.
2- Văn phòng Huyện ủy định kỳ báo cáo công tác với Văn phòng Tỉnh ủy, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng Tỉnh ủy theo quy định.
Điều 5: Quan hệ với các ban đảng của Huyện ủy.
- Quan hệ giữa Văn phòng Huyện ủy với các ban đảng Huyện ủy là quan hệ phối hợp trong công tác tham mưu cho Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy mà trực tiếp là Thường trực Huyện ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên hoặc đột xuất các mặt công tác.
- Phối hợp đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương, của tỉnh, của Huyện ủy.
- Văn phòng Huyện ủy phối hợp với các ban đảng của Huyện ủy xây dựng quy chế phối hợp công tác trình Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định.
Điều 6: Quan hệ với Văn phòng HĐND-UBND, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội.
1- Văn phòng Huyện ủy thường xuyên giữ mối quan hệ với Văn phòng HĐND-UBND huyện, thường xuyên phối hợp xây dựng chương trình công tác, điều phối các hoạt động của các đồng chí Thường trực; phối hợp trong công tác tham mưu những nội dung Thường trực giao.
2- Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể huyện trong việc nắm bắt thông tin, kịp thời tham mưu, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị có liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể huyện; phối hợp trong việc chuẩn bị, thẩm định các đề án, các nghị quyết, chỉ thị… có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể để trình Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy.
Điều 7: Quan hệ với các TCCS đảng và văn phòng cấp ủy cấp dưới.
- Quan hệ giữa Văn phòng Huyện ủy với các TCCS đảng trực thuộc là quan hệ phối hợp, trao đổi, hướng dẫn trong tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, của Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy.
Quan hệ giữa Văn phòng Huyện ủy với văn phòng cấp uỷ cấp dưới là quan hệ phối hợp, trao đổi, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ văn phòng trong hệ thống văn phòng cấp ủy; đồng thời thực hiện việc kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8: Điều khoản thi hành.
Văn phòng Huyện uỷ chịu trách nhiệm thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc hoặc phát sinh thì phải báo cáo đề nghị Ban Thường vụ Huyện uỷ xem xét, quyết định bổ sung hoặc sửa đổi kịp thời./..